EPS của ngành ngân hàng và bất động sản có thể đạt đỉnh trong năm 2018 hoặc 2019

EPS (Tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần) là chỉ số nói lên phần lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phần. Đây cũng có thể coi như phần lợi nhuận thu được trên mỗi khoản đầu tư ban đầu, nên nó được coi như là chỉ số xác định khả năng lợi nhuận của một công ty.

Trong 5 năm qua, từ năm 2014 đến 2018, cổ phiếu ngân hàng và bất động sản thường có mức tăng trưởng tốt hơn so với toàn thị trường. Số liệu FiinPro cho thấy, cổ phiếu hai ngành này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số trong 5 năm qua, trong khi Vn-Index chỉ dừng ở mức hai con số. Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2018, cổ phiếu ngành ngân hàng tăng 154,1%; cổ phiếu ngành bất động sản tăng 143,3%, Vn-Index tăng 96,5%.

CP Ngân hàng và Bất động sản 5 năm qua

Trong giai đoạn nói trên, EPS của cả ngành ngân hàng và bất động sản có giảm nhẹ năm 2015 so với năm trước đó, tăng trưởng bền vững từ năm 2015 đến nay và được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018.

EPS ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao

Theo FiinPro, nhìn lại 3 năm qua ngành ngân hàng có 3 câu chuyện chính tạo sự tăng trưởng cho cổ phiếu ngân hàng gồm: câu chuyện đóng góp của cho vay tiêu dùng mà cụ thể là của HDBank (mã HDB) và VPBank (mã VPB); ghi nhận nguồn thu từ hoạt động bán bảo hiểm của ngành ngân hàng mà điển hình là Techcombank (mã TCB), MBB và Sacombank (mã STB); và gần đây nhất là câu chuyện tăng trưởng mạnh của dịch vụ ngân hàng bán lẻ/cho vay cá nhân.

Vậy câu chuyện cuối năm 2018 và dự kiến 2019 tới đây sẽ là gì ? Các nhà phân tích tại Hội thảo FiinPro 7 với chủ đề “Cổ phiếu Ngân hàng và Bất động sản: Kết thúc năm 2018 & Triển vọng” vào cuối tháng 9/2018 vừa qua cho rằng, sự tiếp tục tăng trưởng của tín dụng cá nhân và dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận ngành.

Dĩ nhiên, chất lượng lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào danh mục sản phẩm mà ngân hàng đó có thế mạnh và tập trung. Ví dụ VIB chủ yếu mạnh về cho vay ô tô trong khi hầu hết các ngân hàng khác danh mục sản phẩm cho vay khá đa dạng và cho vay mua nhà cũng là một cấu phần lớn trong danh mục sản phẩm cho vay.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng qua các năm

EPS ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt mặc dù ngành ngân hàng khó có thể tăng trưởng tín dụng đạt trần 17%. Dữ liệu do FiinPro thu thập cho thấy, các nhà phân tích có cái nhìn lạc quan nhất, dự báo EPS của ngành ngân hàng sẽ tăng 42,1%; còn theo tính toán của FiinPro mức tăng trưởng EPS của ngành ngân hàng sẽ đạt 29,9% cho năm 2018.

Dự báo tăng trưởng ESP của ngành Ngân hàng 2018

Mức dự báo của StoxPlus dựa trên giả định tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 quý cuối năm bằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm trước và tăng trưởng tín dụng năm 2018 không vượt quá 14%; tốc độ tăng trưởng huy động 2 quý cuối năm bằng tốc độ tăng trưởng huy động cùng kỳ năm trước; lãi suất cho vay trung bình và lãi suất huy động trung bình bằng 4 quý gần nhất; tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng dư nợ bằng 4 lần quý gần nhất (QII/2018) và tỷ lệ chi phí/thu nhập nửa cuối năm 2018 sẽ bằng cùng kỳ năm ngoái.

EPS ngành bất động sản có thể đạt đỉnh trong năm 2018 hoặc 2019

Đối với ngành bất động sản, EPS sẽ tiếp tục tăng mạnh ở mức 72,3% trong năm 2018. Nếu loại bỏ Vinhomes, EPS của nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tăng 21,9%.

Các diễn giả tại hội thảo chỉ ra rằng, đối với các công ty bất động sản yếu tố then chốt là việc môi trường kinh doanh và chính sách có tạo điều kiện cho các công ty phát triển bất động sản huy động được vốn từ ngân hàng và từ khách hàng hay không.

Quan trọng hơn nữa là thanh khoản, tức là ra hàng có bán được hay không. Còn thực tế đã bán được hàng thị công ty bất động sản sẽ có lãi do chênh lệch “địa tô”. Và thực tế lợi nhuận của ngành bất động sản có thể thay đổi thậm chí đảo chiều rất nhanh vì các yếu tố trên.

ESP – Bất động sản

Bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản dễ bị tổn thương, nên các nhà phân tích tại Hội thảo cho rằng, nhà đầu tư cần theo dõi và đánh giá từng doanh nghiệp dựa trên năng lực của họ cũng như danh mục và tiến độ triển khai, bán hàng của từng dự án lớn của họ.

EPS của ngành bất động sản được đánh giá là đang tiệm cận đỉnh, năm 2018 hoặc năm 2019 sẽ đạt đỉnh. Dù vậy, đại diện của Savills cho rằng, ngành bất động sản chưa có dấu hiệu khủng hoảng, có tới 65% khách hàng mua sản phẩm ở phân khúc hàng A là đầu cơ hoặc đầu tư.

Tăng trưởng EPS của ngành bất động sản và ngân hàng là nền tảng cho sự bứt phá của cổ phiếu hai ngành này và của cả VN-Index nói chung, nhiều ý kiến đồng thuận rằng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) hai ngành này đang tiệm cận đỉnh và đâu đó năm 2018 này hoặc 2019 sẽ là đỉnh của ngành bất động sản và ngân hàng.

(Nguồn: https://bizlive.vn/ngan-hang/eps-cua-nganh-ngan-hang-va-bat-dong-san-co-the-dat-dinh-trong-nam-2018-hoac-2019-3473618.html)