Cơ hội nghề nghiệp
Học ngành Ngân hàng có thể làm ở những vị trí nào
Là ngành học liên quan đến các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông hay vận hành tiền tệ, Ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ dù trong bối cảnh kinh tế phát triển rực rỡ hay trầm lắng. Vậy cử nhân ngành Ngân hàng sau khi tốt nghiệp có thể làm ở những vị trí nào? Những vị trí ứng tuyển nào phù hợp với năng lực và chuyên ngành bạn theo học? Những thắc mắc của bạn có thể được giải đáp phần nào trong bài viết dưới đây!
Theo học chuyên ngành Ngân hàng tại Đại học Duy Tân, sinh viên sẽ được trang bị vững vàng hệ thống kiến thức kiến thức về lĩnh vực phân tích tài chính và đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong quá trình toàn cầu hóa; phát hành cổ phiếu, huy động vốn tư vấn cho các doanh nghiệp về các hoạt động trên thị trường vốn như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, người học còn có cơ hội thực hành các kỹ năng nghiệp vụ trong ngân hàng thương mại hiện đại; biết phân tích, dự báo các vấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ. Sinh viên học chuyên ngành Ngân hàng tại Đại học Duy Tân còn được rèn luyện về bản lĩnh và khả năng tự tìm hiểu khi gặp vấn đề mới, xử lý linh hoạt khi có rủi ro phát sinh trong công việc.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngân hàng, người học có thể làm việc tại các vị trí:
– Giao dịch viên ngân hàng: làm việc tại quầy, tiếp xúc, xử lí các giao dịch trực tiếp với khách hàng; tìm hiểu nhu cầu, tư vấn khách hàng đối với các sản phẩm tiền gửi hay thực hiện các nghiệp vụ kế toán giao dịch, kho quỹ.
– Chuyên viên/cán bộ hỗ trợ tín dụng: vị trí này yêu cầu am hiểu cơ bản về nghiệp vụ tín dụng, bảo lãnh, quy trình tín dụng, các quy định cơ bản của luật liên quan đến tài sản đảm bảo. Để đáp ứng yêu cầu công viêc, nhân viên hỗ trợ tín dụng cần có tác phong nhanh nhẹn, cẩn thận, chịu được áp lực khi làm việc với hồ sơ giấy tờ.
– Chuyên viên thanh toán quốc tế: cần có kỹ năng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tài trợ thương mại, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ do khách hàng cung cấp; kiểm tra tính xác thực và hiệu lực của các đề nghị, văn bản và hợp đồng ký kết giữa khách hàng và Ngân hàng; tư vấn cho khách hàng về quy trình, thủ tục cũng như các rủi ro có thể phát sinh của giao dịch.
Ngoài ra, nhiều vị trí công việc khác mà các cử nhân ngành Ngân hàng có thể ứng tuyển như:
– Chuyên viên kế toán ngân hàng
– Chuyên viên hỗ trợ và phát triển sản phẩm thẻ
– Chuyên viên kinh doanh ngoại hối
– Chuyên viên tư vấn tài chính
– Chuyên viên tư vấn bảo hiểm