Bí quyết tránh… đi tù cho nhân viên ngân hàng

Nhân viên Ngân hàng là người thường xuyên tiếp xúc với tiền bạc nên chỉ cần 1 phút lơ là, bất cẩn thì không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan mà còn có khả năng phải làm việc với … cơ quan điều tra. Cuốn sách “Hiểu nghề Giữ nghiệp” của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng – Chứng khoán – Đầu tư BASICO sẽ giúp các sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng có cái nhìn thận trọng hơn về công việc trong tương lai.

Bìa sách “Hiểu nghề Giữ nghiệp” của Luật sư Trần Minh Hải

Từ những sai phạm do áp lực của sếp tới những hậu quả khôn lường do bị khách hàng lừa dối hay tác động bên ngoài của những thủ đoạn lừa đảo tinh vi mà chỉ một chút sơ sẩy thì vào tù ra tội như chơi. Trong một môi trường như vậy, các bài học kinh nghiệm thực tiễn phòng thân, giảm thiểu tối đa rủi ro mà đồng nghiệp từng gặp phải, dường như là giải pháp mà nhiều cán bộ ngân hàng tìm kiếm.

Cuốn sách bao gồm 26 bài viết cũng là 26 bài học pháp lý nghiệp vụ dành cho nghề tín dụng ngân hàng và mỗi bài học là một câu chuyện thực tế nhìn từ các vụ việc, đại án, sự cố xảy ra trong ngành Ngân hàng.

Yếu tố quan trọng đầu tiên để hiểu được nghề và sau đó giữ được nghiệp mà Luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh, là nhân viên ngân hàng phải biết thận trọng đối với những trách nhiệm pháp lý có thể phải gánh chịu. Bất cứ một sự dễ dãi hay thông cảm nào hôm nay đều có thể đem tới nguy cơ phải đứng trước vành móng ngựa, vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

Tiếp đó, nhân viên tín dụng cũng cần trang bị những kiến thức pháp lý để nhận diện rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong các khoản vay. Điều này giúp nhân viên tín dụng cân nhắc, tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi trách nhiệm cho bản thân. Tài sản bảo đảm là phao cứu sinh cho nghiệp vụ tín dụng nhưng có lắm khi phao cứu sinh này thủng dẫn đến không thể thu hồi khoản vay. Rồi hàng loạt rủi ro pháp lý như nhầm lẫn sở hữu vợ – chồng, thừa kế, nguy cơ vô hiệu khi nhận bảo đảm qua ủy quyền… Bài học từ những vụ án đã xảy ra cho thấy những rủi ro này “mai phục” khắp nơi, từ chuyện nhỏ nhặt như biên bản kiểm tra khoản vay, quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng của doanh nghiệp đến chuyện lớn hơn như là tài sản bảo đảm bỗng nhiên vô giá trị…

Hiểu nghề giữ nghiệp” cũng mạnh dạn đề cập đến khía cạnh tế nhị giữa sếp – nhân viên khi nhân viên cần phải từ chối một khoản vay có khả năng “không an toàn”, khá nguy hiểm mà sếp tín nhiệm giao cho lập hồ sơ. Sự lấp lửng, không dứt khoát có thể làm “hại” chính bạn trong tương lai gần. Không ít nhân viên ngân hàng đã phải đứng trước vành móng ngựa chỉ bởi vì “làm theo lệnh sếp” nhưng cũng khá khó khăn khi buộc thẳng thừng làm trái ý sếp.

Làm sao khi không thể từ chối và buộc phải tham gia trình duyệt một khoản vay “có vấn đề”, làm sao để giảm nhẹ trách nhiệm nếu khoản vay phát sinh vấn đề? Hoặc trường hợp gặp sự cố nghề nghiệp phải xử lý ra sao? Nhiều bí quyết, kỹ năng “mềm” được chỉ dẫn cụ thể chắc chắn sẽ giúp ích cho nhân viên tín dụng trong những tình huống vốn không có trong sách giáo khoa hay giáo trình giảng dạy nào.

Hiểu nghề giữ nghiệp” thực sự là cuốn sách khai phá những kỹ năng pháp lý cần có để phòng tránh rủi ro nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng. Với một số bài học nghiệp vụ, các đại án về ngân hàng qua lăng kính của nghiệp vụ tín dụng tạo thành những bài học kinh điển mà người làm nghề ngân hàng khó bỏ qua, cuốn sách cũng ghi nhận một góc cạnh khác của nghề tín dụng ngân hàng nhưng cũng bao hàm trong đó bài học đầy giá trị để những nhân viên tín dụng hiểu được nghề, thêm vào hành trang những kinh nghiệm thực tế vô cùng hữu ích.