Cơ hội nghề nghiệp
Giải mã nguyên nhân khiến sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng khó xin việc
Ngành Tài chính – Ngân hàng liệu có còn hot?
Thời điểm những năm 2006 – 2009, khi Việt Nam vừa gia nhập tổ chức WTO thì lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Nhân sự trong ngành này được săn đón ráo riết và việc trở thành 1 nhân viên trong ngành Tài chính – Ngân hàng thực sự là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng từ năm 2011 trở đi, những thông tin về việc bão hòa và suy giảm nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành Tài chính – Ngân hàng đã khiến nhiều học sinh yêu thích ngành học này đắn đó và không dám theo đuổi niềm đam mê của mình.
Cho đến giai đoạn 2014 – 2015, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành Tài chính – Ngân hàng. Đấy chính là nguyên nhân khiến nhu cầu nhân sự ngành này tăng cao trong nhiều năm trở lại đây. Các ngân hàng trong và ngoài nước đang tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cho nhu cầu công việc hiện tại.
Cơ hội việc làm ngành Tài chính luôn rộng mở
Nhân sự ngành Tài chính – Ngân hàng vừa thừa vừa thiếu
Hàng năm, số lượng sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng ra trường ngày càng nhiều cùng với sự “nở rộ” của các trường Đại học, học viện, cao đẳng,… đào tạo khối ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế,…
Khi nguồn cung dư thừa, vượt quá nhu cầu thì số sinh viên sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm ngày càng nhiều. Thị trường lao động ngành Ngân hàng thì ngày càng đòi hỏi cao về kiến thức và kỹ năng của người lao động. Trong khi đó sinh viên vừa ra trường được nhà tuyển dụng đánh giá là chưa thể làm việc được ngay mà phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại. Cho nên tình trạng “khát” nhân lực có chuyên môn cao, năng lực thực tế tốt, có đạo đức và tác phong chuyên nghiệp,… vẫn tồn tại ở các doanh nghiệp.
Sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng cần làm gì?
Thực tế theo đánh giá của doanh nghiệp, không chỉ có sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng mà nhược điểm chung của lao động trong nước chính là sự thiếu hụt những kỹ năng “mềm” quan trọng trong thực tế công việc.
Vì không chú trọng việc trau dồi những kỹ năng thực tế nên nhiều ứng viên khi gửi CV cho nhà tuyển dụng vẫn bỏ trống phần kinh nghiệm thực tiễn. Mặc dù bằng cấp chuyên môn, tố chất sẵn có là rất quan trọng nhưng sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng nên tự trang bị cho mình những kỹ năng khác như: xử lý tình huống phát sinh, làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông, thuyết phục khách hàng,…
Ở thời điểm hiện tại, Tài chính – Ngân hàng vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho người lao động bởi môi trường làm việc năng động, chế độ đãi ngộ tốt, nhiều cơ hội thăng tiến. Chúc các sĩ tử có những lựa chọn đúng đắn cho nghề nghiệp trong tương lai!